BÁNH LÁ RĂNG BỪA XUÂ LẬP – ĐẬM ĐÀ HƯƠNG VỊ XỨ THANH

Thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là vùng đất cổ ngàn năm của xứ Thanh. Thuở sơ khai, làng được định danh là làng Kẻ Sập. Sang thời Đinh, làng đổi tên thành thôn Trung Lập. Tên gọi này gắn với làng từ thuở ấy cho tới hôm nay. Trung Lập nằm giữa hai dòng thủy lưu, phía bắc là sông Cầu Chày, phía nam là dòng sông Chu. Đất trời chung đúc khí thiêng, khiến nơi này trở thành vùng địa linh, sản sinh ra bậc nhân kiệt vĩ đại cho quê hương đất nước đó chính là Lê Hoàn – Lê Đại Hành.


Tương truyền rằng khi xưa vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong Lễ Hội đầu năm. Để biết ơn Lê Hoàn người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị của Xuân Lập để dâng lên các vị vua. Chiếc bánh có hình răng bừa thể hiện sự chăm chỉ lao động của người dân và gắn liền với thành quả một công cụ lao động của người dân xứ Thanh thời xưa, đây cũng là hình tượng từ những thành quả lao động cần cù của người nông dân. Từ đó Bánh lá răng bừa Xuân Lập đã trở thành một loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc để thể hiện lòng kính trọng với các bậc tiền bối có công đã giúp cho người dân được như ngày hôm nay. Ngày nay, với nhu cầu thưởng thức bánh của đông đảo người dân, đặc biệt là đối với du khách thập phương khi đến đây nên món ngon này đã trở nên phổ biến và được người dân nơi đây chế biến hàng ngày.
Là một người con xứ Thanh, ông Đỗ Minh Sơn đại diện cho Hội Bánh lá răng bừa Xuân Lập và HTX DVNN Xuân Lập mong muốn giới thiêu và quảng bá một đặc sản quê hương mỗi khi du khách về dâng hương tại khu di tích lịch sử Lê Hoàn và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Với bàn tay khéo léo của người con xứ Thanh, sao cho bánh được xoay nhẹ tay để tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó gấp hai đầu bánh lại. Bánh luộc hoặc hấp khoảng 20 – 30 phút, khi mùi thơm của lá chuối hòa quện cùng bột gạo và nhân bánh tỏa ra thơm phức, chiếc bánh được lăn trên lá không còn bị dính, lúc ấy là bánh đã chín và có thể thưởng thức ngay. Bánh lá răng bừa Xuân Lập ngon nhất là ăn khi còn nóng, thêm chút mắm tiêu, hương vị sẽ thật khó cưỡng.
Bánh lá răng bừa Xuân Lập, Thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân đặc trưng hơn các địa phương khác là do sự kỹ lưỡng và tỷ mỷ của nguồn nguyên liệu đặc biệt là Gạo để làm Bánh lá răng bừa Xuân Lập phải là gạo tẻ, dẻo và ngon nhất đó là gạo 13/2. Gạo phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, thường là xay cùng với nước, bằng chiếc cối xay bột quay tay thủ công cho bột dẻo và nhỏ mịn hơn. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục kỹ thuật kéo léo sao cho bột không bị vón cục và bột không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh. Ngoài ra Lá để gói Bánh lá răng bừa Xuân Lập thường là lá chuối tươi cắt ở vườn nhà, rửa sạch đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách. Nhân Bánh lá răng bừa Xuân Lập rất quan trọng để góp thêm vị đậm đà cho chiếc bánh nhỏ xinh gồm hành khô băm nhỏ phi vàng cùng với thịt nạc vai của lợn sạch băm nhỏ, trộn với hạt tiêu, muối gia vị vừa đủ. Sau khi gói xong, những chiếc Bánh lá răng bừa Xuân Lập nhỏ xinh như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi luộc hoặc hấp khoảng 20 – 30 phút là chín.
Mời bạn về với quê hương Lê Hoàn, những người con xứ Thanh sẽ mời bạn thưởng thức Bánh lá răng bừa Xuân Lập Xuân Lập nóng hổi, thơm ngon được chấm với nước mắm nguyên chất xứ Thanh đậm đà và dậy mùi mới thấy hết được sự quý giá của những hạt gạo và sự khéo léo của con người nơi đây… Những chiếc Bánh dẻo thơm chấm vào bát mắm ngon thì không còn gì tuyệt bằng. Phải thưởng thức thì mới thấy hết vị ngon của quê hương đọng lại và mới hiểu hết được đặc sản của quê hương Lê Hoàn.
Chiếc bánh nhỏ xinh, Mang cả tấm lòng, người con xứ Thanh./.